Menu

Nguyễn Thành Trung 30/07/2019 671 Views

Ý nghĩa Lễ Hằng Thuận

Rate this post

Hằng là mãi mãi, luôn luôn; Thuận là hòa hợp, thuận thảo, yêu thương lẫn nhau; Hằng thuận nghĩa là nghệ thuật sống hoà hợp, độ lượng với người khác và trong đạo vợ chồng. Hằng thuận là vợ chồng sống hòa hợp , biết yêu thương lẫn nhau và hộ trợ nhau để hoàn thành trách nhiệm, bổn phận của mình. Bổn phận của vợ chồng là sự đối đáp, ứng xử của mình với ông bà, cha mẹ và con cái trên nền tảng của Phật giáo như giữ gìn ngũ giới, thập thiện và thực hành bát chánh đạo trong cuộc sống.

Với sự phát triển không ngừng của xã hội, thì nhu cầu của con người đối với xã hội ngày  càng cao cũng như nhu cầu của người Phật tử đối với nhà chùa. Nếu ngày xưa đi chùa chủ yếu để cầu an hay cầu siêu, ma chay hay húy kỵ thì hiện nay nhu cầu đó khác. Ngày nay người Phật tử không chỉ đi chùa khi gặp chuyện buồn của gia đình mà chuyện vui như tân gia, khai trương của hàng hay đặc biệt như chuyện trọng đại của một đời người là cưới hỏi. Với tinh thần nhập thế của đạo Phật, lễ Hằng Thuận cũng đã được tổ chức ở chùa nhằm đáp ứng nhu cầu của người Phật tử. Lễ Hằng Thuận là một sự kiện thể hiện nét văn hóa riêng, là một dấu mốc trong sự phát triển của Phật giáo và góp phần tạo ra sự gần gũi giữa đạo và đời.

  1. Khái niệm lễ Hằng thuận.

Hằng là mãi mãi, luôn luôn; Thuận là hòa hợp, thuận thảo, yêu thương lẫn nhau; Hằng thuận nghĩa là nghệ thuật sống hoà hợp, độ lượng với người khác và trong đạo vợ chồng. Hằng thuận là vợ chồng sống hòa hợp , biết yêu thương lẫn nhau và hộ trợ nhau để hoàn thành trách nhiệm, bổn phận của mình. Bổn phận của vợ chồng là sự đối đáp, ứng xử của mình với ông bà, cha mẹ và con cái trên nền tảng của Phật giáo như giữ gìn ngũ giới, thập thiện và thực hành bát chánh đạo trong cuộc sống.

  1. Nguồn gốc và sự phát triển lễ Hằng thuận

Sự bắt nguồn của lễ Hằng thuận là từ thời Đức Phật còn tại thế. Có một lần khi Ngài quay về Vương thành Ca Tỳ La Vệ để thăm gia đình và quê hương. Cũng có một nhân duyên lớn khi Thế Tôn trở về đó là  kinh thành đang chuẩn bị lễ thành hôn cho Vương tử Mahanam, nhân đó đức vua cũng đã cung thỉnh Đức Phật và Tăng đoàn vào hoang cung để chứng minh cho hôn lễ của Vương tử.

Và từ nhân duyên đó, Đức Thế Tôn dạy cho đôi vợ chồng về bổn phận của mình. Là một người chồng thì phải có trách nhiệm và nhiệm vụ gì đối với gia đình, con cái, vợ và gia đình nhà vợ. Và cũng như vậy, là một người vợ phải biết ứng xử như thế nào với chồng với gia đình nhà chồng. Trong kinh Ca Thi La Việt Đức Phật có nói:

“ Này Gia chủ tử, có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang cho vợ.

Này Gia chủ tử, được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình;  khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.

Này Gia chủ, người vợ được người chồng đối xử như phương Tây theo năm cách và người chồng được người vợ trung thanh theo năm cách. Như vậy phương Tây được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi’’.

 Mượn nhân duyên vợ chồng để đồng làm pháp lữ tạo thiện nghiệp. Vui cũng thuận, buồn cũng thuận. Thành công cũng thuận, thất bại cũng thuận. Giàu cũng thuận, nghèo kém cũng thuận. Thế nên được gọi là lễ Hằng thuận nghĩa là, luôn thuận bên nhau suốt cả cuộc đời. Cho dù nắng hay mưa, hạnh phúc hay đau khổ. Kể từ đó, trong Phật giáo mới tổ chức Lễ hằng thuận.

          Vậy ở Việt Nam lễ Hằng thuận được tổ chức đầu tiên ở đâu và cho ai? Theo như nhiều nguồn tư liệu khác nhau cho rằng, người đầu tiên nghĩ đến việc làm lễ cưới tại chùa là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật bút hiệu Nam Tử ( 1883-1940), quê ở Hải Dương, là một nhà Nho, sau này quy y Phật và trở thành một Phật tử thuần thành và hết sức phụng sự Phật pháp. Ông nghĩ việc tổ chức lễ cưới tại chùa sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho đời sống gia đình của người Phật tử, nhất là đời sống đạo đức tâm linh.

Vào năm 1930, bác sĩ Phật tử Tâm Minh – Lê Đình Thám đã tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng là Lê Thị Hoành với Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm, Huế. Đây được xem là lễ cưới điển hình đầu tiên được tổ chức tại chùa trong lịch sử Phật giáo nước ta. Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hoa đã chính thức đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa là lễ Hằng thuận.

  1. Nghi thức lễ Hằng thuận.

Ngôi chùa được chọn để tổ chức lễ thường là nơi mà đôi uyên ương đã quy y.  Lễ Hằng thuận được tổ chức theo nghi thức trang nghiêm của Phật giáo.

Chứng minh cho buổi lễ là tăng đoàn của chùa và chủ hôn thường là một vị hòa thượng hay thầy trụ trì chùa. Chánh điện thường là nơi sự kiện được tổ chức bởi sự chứng minh của chư Phật và tăng đoàn.
Nơi làm lễ gồm một chiếc bàn dài, là nơi chủ hôn thực hiện nghi thức kết duyên. Cặp đôi sẽ quỳ trước bàn, hướng về nơi thờ Phật, làm theo chỉ dẫn của các vị hòa thượng chủ hôn. Bạn bè, người thân của cô dâu chú rể ngồi hai bên theo đúng quy cách nhà trai đứng bên trái, nhà gái đứng bên phải.

Trước khi làm lễ, vị chủ hôn sẽ hỏi xem cô dâu, chú rể đã quy y chưa, nếu chưa thì thầy sẽ làm lễ quy y cho hai vợ chồng trước, rồi mới tới nghi lễ cưới.

Cô dâu, chú rể đọc lời nguyện, sau đó nhận lời chúc tốt lành cũng như lời dặn dò của vị chủ trì buổi lễ. Vị thầy chủ hôn sẽ buộc dây tơ hồng tượng trưng cho cô dâu, chú rể, với ý nghĩa gắn bó uyên ương trọn đời bên nhau.

Tiếp đến là nghi lễ “phu thê giao bái”, cô dâu, chú rể trao nhẫn cưới và cùng nhau nghe sư thầy chủ trì nói về ý nghĩa của việc trao nhẫn.

Cùng với uyên ương, đại diện hai bên gia đình sẽ khấn nguyện trước Đức Phật và các vị chư tăng về việc chỉ bảo cho cặp đôi vợ chồng xây dựng gia đình hạnh phúc. Vị  chủ hôn sẽ ban đạo từ về ý nghĩa hôn nhân hạnh phúc.

Sau khi buổi lễ tại chính điện kết thúc, hai bên gia đình mời các vị chư tăng cùng họ hàng và bạn bè dự tiệc chay. Thông thường, bữa tiệc này sẽ được tổ chức ngay tại chùa với các món ăn đều được chế biến từ thực vật như nấm, mộc nhĩ, khoai, đậu phụ, ngũ cốc…

  1. Giá trị đặc trưng của lễ Hằng thuận.

          Việc tổ chức lễ trong chùa sẽ không những mang lại cho cô dâu, chú rể một lễ cưới trang nghiêm mà còn mang lại lợi ích cho khách mời hai bên vì trong buổi tiệc hoàn toàn không có những món ăn mặn, thay vào đó chỉ là những thực phẩm chay thanh tịnh; không tổn hại dù một sinh linh, không dùng bia, rượu gây tổn hại sức khỏe và tốn kém, lãng phí tiền bạc.

          Tổ chức lễ Hằng Thuận tại chùa chính là xây dựng một cây cầu nối giữa đạo và đời, sao cho những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc hòa quyện với văn hóa tâm linh Phật giáo. Ý nghĩa của lễ Hằng Thuận được thể hiện một cách tích cực khi cô dâu, chú rể cùng nhau phát nguyện sống cuộc đời tỉnh thức trong năm nguyên tắc đạo đức, cùng hướng đến một cuộc sống thiện lành và chung tay gầy dựng một gia đình tốt đẹp trong tương lai. Gia đình chính là tế bào của xã hội, khi gia đình được hòa thuận ấm êm thì xã hội chắc chắn sẽ thanh bình thịnh vượng. Lễ Hằng Thuận chính là một sự khởi đầu tốt đẹp cho sự hình thành tổ ấm trong tương lai của các bạn trẻ.

Lễ hằng thuận cầu thủ Công Vinh và ca sỹ Thủy Tiên tại chùa

Theo thống kê của một số trang báo điện tử thì chỉ có gần 20% cập gia đình là hạnh phúc trong hôn nhân trên thế giới. Con số này cũng đã cho thấy được mức báo động về sự hiểu biết trước và sau hôn nhân của các cập vợ chồng. Nhưng có một điều rất bất ngờ đó là trong số 20% đó thì có tới 90% là gia đình Phật tử thuần thành, có nền tảng đạo đức và căn bản tu tập. Đây là tín hiệu đáng mừng và thật sự thêm niềm tin cho thấy hiệu quả hữu ích của việc ứng dụng nghiêm túc lời Phật dạy vào đời sống để có một gia đình đạo đức, an lạc và hạnh phúc.
Đó cũng là mục đích chính của lễ Hằng Thuận. Và có thể nói, tất cả những yếu tố cấu thành nên hạnh phúc viên mãn của gia đình người Phật tử đa phần đều được khởi đầu và ghi dấu ấn thiêng liêng kể từ lễ Hằng thuận.

Tình yêu không đơn thuần chỉ có một vị ngọt mà nó còn có đủ cả những gì gọi là đắng cay và chua chát. Nếu trong tình yêu, người ta chỉ biết đắm say trong những lời nói ngọt ngào thì tình yêu đó sẽ chưa thể gọi là một tình yêu bền vững. Cay đắng trong cuộc đời, cay đắng trong tình yêu mà ta đã từng nếm trải không phải là cái mà ai cũng muốn, nhưng rồi cũng chính những vị chua cay đó đã giúp cho chúng ta hiểu được giá trị của một tình yêu chân thành. Hãy trân trọng những sóng gió trong cuộc đời mà chúng ta đã từng trải qua. Vì nếu không có những lần khó khăn này thì mỗi chúng ta sẽ chưa thể hiểu được nhau. Và khi sự đồng cảm chưa được thiết lập thì tình thương yêu cũng sẽ không có mặt.

Tình yêu đặt trên nền tảng của Phật – Pháp – Tăng sẽ là một tình yêu bền vững, có trí tuệ, biết cách chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau của ta và của người, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, luôn nghĩ đến hạnh phúc của người khác mà hy sinh, không vì lợi ích cá nhân. Hãy làm chủ trong tình yêu của mình. Hãy để chúng thăng hoa trên nền tảng của sự hiểu biết và khi đó tình thương yêu sẽ luôn hiện hữu trong suốt quãng đường đời sau này.

Hôn nhân là nét đẹp văn hóa truyền thống để kế thừa dòng dõi huyết thống và cuộc hôn nhân đó cũng đặt trên sự tự nguyện, không ràng buộc. “Hằng thuận chúng sanh” là một nghệ thuật sống hòa hợp, độ lượng với người khác. Và lễ Hằng thuận cũng chính là từ ý nghĩa này.

Thông qua buổi lễ, đôi tân hôn phải sống hòa thuận, nhường nhịn trong tinh thần tương kính, hy sinh và phục vụ. Một tình yêu đẹp là sự vắng mặt của tham sân si, là sự đổ vỡ của thế giới hữu ngã, là sự có mặt của lòng hy sinh. Và từ giờ trở đi không còn khái niệm nào là “của anh”, “của tôi” mà tất cả đều là của chung.

  1. Kết luận:

     Vậy nên, bên cạnh việc giáo huấn về đạo lý vợ chồng, con cái và hướng dẫn Phật tử cách tu tập để có cuộc sống an lạc, Phật giáo có vai trò trợ duyên cho các gia đình Phật tử và phòng ngừa mọi nguy cơ có thể dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Đây cũng là việc làm cần thiết đầu tiên góp phần xây dựng xã hội Phật giáo an lạc được cấu thành từ tập hợp gia đình Phật tử.

     Như vậy, có thể nói lễ Hằng thuận đã phát huy nền tảng trí tuệ, đạo đức tâm linh, định hướng con người sống thật sự hữu ích. Và tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình đặt trên nền tảng của Phật – Pháp – Tăng sẽ luôn bền vững, có trí tuệ, biết cách chuyển hoá những nỗi khổ niềm đau của ta và của người, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp nhất.

Ngộ Trí Viên

 

bài viết liên quan

Tâm không điều phục

19/04/2024
5 Views

Việt dịch: HT. Thích Minh Châu 1. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm không được điều…

Giáo lý Vô ngã

19/04/2024
6 Views

GNO - Giáo lý Vô ngã (vô tự tính) đầu tiên được Đức Phật nói cho năm anh em ông Kiều-trần-như tại Vườn Nai trong kinh Vô ngã tướng (Anatta Lakkhana…

Những trường hợp Phật cho phép không y chỉ

16/04/2024
10 Views

Mỗi vị tân Tỳ-kheo đều có hai người thầy để trực tiếp giáo huấn: Một người thầy có trách nhiệm dạy dỗ lâu dài, gọi Bổn sư hoặc là Nghiệp…