Không giữ giới có năm điều suy hao
“Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người… Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Thanh tín sĩ rằng:
– Phàm người phạm giới thời có năm điều suy hao. Những gì là năm? 1-Cầu tài lợi không được toại nguyện. 2-Dẫu có được tài lợi, ngày mỗi hao mòn. 3-Bất cứ đến đâu cũng không được mọi người kính nể. 4-Tiếng xấu đồn khắp thiên hạ. 5-Thân hoại mệnh chung sa vào địa ngục.
– Trái lại, này các Thanh tín sĩ, phàm người giữ giới sẽ có năm công đức. Những gì là năm? 1-Cầu gì đều được như nguyện. 2-Tài sản đã có thì thêm mãi không hao sút. 3-Ở đâu cũng được mọi người kính mến. 4-Tiếng tốt đồn khắp thiên hạ. 5-Thân hoại mệnh chung được sanh lên cõi trời.
Bấy giờ, đã nửa đêm, Phật bảo các Thanh tín sĩ hãy trở về. Các Thanh tín sĩ vâng lời, đi quanh Phật ba vòng, rồi đảnh lễ mà lui”.
(Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành, số 2 [trích])
Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức. Ông cha ta đã trao truyền kinh nghiệm quý báu “Có phước có đức, mặc sức mà hưởng”. Dĩ nhiên muốn có phước đức thì cần làm phước. Những việc thiện đang làm là phước mới, sẽ trổ quả ở tương lai gần hoặc xa. Còn thành quả ngay trong hiện tại là nhờ phước cũ, những việc thiện đã làm trước đó. Phước đức được kế thừa và tiếp nối để tạo ra bình an lâu dài.
Trong cuộc sống, song hành với việc làm phước là hết sức cẩn trọng để tránh những việc tạo ra sự tổn phước. Tránh hao tổn phước đức là việc rất quan trọng. Nếu không lưu tâm đến vấn đề này thì nguồn phước ngày càng suy giảm. Để dễ hình dung, ta biểu thị tăng phước mang dấu cộng, tổn phước mang dấu trừ. Tăng phước và tổn phước luôn cộng trừ lẫn nhau. Kết quả cuối cùng sẽ cho ra chỉ số phước đức. Nếu dương thì phước còn đồng nghĩa mọi thứ đều còn. Nếu âm thì phước hết, mọi thứ sẽ sụp đổ không thể cứu vãn.
Để tránh tổn phước, không gì mầu nhiệm bằng sự giữ giới. Lâu nay chúng ta thường nghĩ, giữ giới nhằm trau dồi đạo đức, giữ vững nhân cách. Còn một phương diện quan trọng khác của giữ giới là tránh sự hao tổn phước đức. Khi quá khốn khó, người ta hay làm càn làm quấy khiến mất phước thì đã đành. Nhưng khi đời sống khá lên, mọi sự đủ đầy người ta thường sinh tâm phóng dật, sa đà vào thụ hưởng. Nếu ai sống có giới thì sẽ kiểm soát được mình, không đi quá đà, không sa ngã vào buông lung cám dỗ. Nhờ vậy mà giữ được phước đức, không bị hao tổn, sự nghiệp vững vàng, gia đạo bình an.
Quan sát sự ngã ngựa của quan chức, sự sụp đổ của doanh nhân, sự khánh kiệt của thường dân sẽ thấy rõ ràng phước đức của họ suy giảm đến cùng kiệt, thậm chí bị âm, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là không giữ giới, sống phi pháp, vô đạo. Những người này đã đi vào bóng tối, tối cả đời này và đời sau. Tất cả đều do phước đức chứ không phải hên xui, cũng không vì thánh thần thưởng phạt mà căn nguyên là do chính mình.
Thế nên, người Phật tử hằng tôn kính giới, người công dân cần thượng tôn pháp luật mới có thể bình an, giữ vững cơ nghiệp, thịnh phát và hạnh phúc lâu dài.