Menu

Nguyễn Thành Trung 29/06/2020 272 Views

Lễ rót đồng đúc Đại hồng chung tại chùa Hưng Long

Rate this post

PGHP- Sáng ngày 28/06/2020 ( nhằm ngày 08/5 năm Canh Tý) tại chùa Hưng Long, phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng đã long trọng diễn ra Đại lễ đúc đại hồng chung nặng 1,2 tấn.

Quang lâm tham dự, chứng minh buổi lễ có Hòa Thượng Thích Thanh Giác – Phó trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng; TT. Thích Tục Khang – Ủy viên Ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN, phó trưởng BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng, trưởng BTC Đại lễ, cùng đông đảo chư tôn đức Tăng Ni nội ngoại thành của thành phố Hải Phòng và chư tôn đức Tăng Ni một số tỉnh thành lân cận.

Về phía khách mời chính quyền có ông: Đỗ Tràng Thành – Phó chủ tịch UBMTTQ VN thành phố Hải Phòng; ông: Ngô Xuân Thủy – Phó Ban tôn giáo Sở nội vụ thành phố Hải Phòng; ông: Phạm Văn Khánh – Trưởng phòng An ninh Đối nội Sở công An thành phố; ông: Dương Đình Ổn – Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng, cùng các ông bà lãnh đạo đại diện cho HĐND, UBND, UB MTTQVN quận Hồng Bàng, phường Trại Chuối, các cơ quan ban ngành đoàn thể trong và ngoài thành phố cùng các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân và hàng ngàn quý Phật tử, quý thiện nam tín nữ, du khách thập phương, nhân dân địa phương về tham dự đại lễ.

Chư tôn đức chứng minh đại lễ

Chùa Hưng Long xưa được mang tên là Chùa Hạ, có tên chữ là Hưng Long Tự, chùa được trùng tu vào năm Bính Tuất, Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 2 ( năm 1706), và năm Tân Mùi, Niên hiệu Bảo Đại thứ 6 ( năm 1931). Đến năm 1947, chùa bị thực dân Pháp tàn phá hoàn toàn do bị phát hiện liên quan đến các hoạt động cách mạng.

Qua nhiều thế kỷ, với bao biến cố thăng trầm của thời gian và lịch sử, ngôi chùa đã không còn nữa. Trước thực trạng ấy, nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa trong sự nghiệp hoằng truyền chính pháp của lịch đại Tổ sư dày công bồi đắp ngôi chùa này và với ước nguyện góp phần xương minh Đạo pháp và sự phát triển bền vững của Giáo hội, cũng như của thành phố Hải Phòng, chính quyền và nhân dân địa phương đã cung thỉnh Thượng tọa Thích Tục Khang về phục dựng lại ngôi già lam và hướng dẫn quý Phật tử, nhân dân địa phương tu học, sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa tâm linh.

Tuy ngôi chùa mới chỉ được phục dựng tạm thời để bà con Phật tử và nhân dân có nơi tu học, sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa, tâm linh, nhưng từ khi thượng tọa Thích Tục Khang về trông nom, các Phật tử đến chùa tu học ngày càng đông, hàng ngày các Phật tử đã tới chùa tụng kinh, niệm Phật và được thượng tọa trụ trì hướng dẫn tu học, giảng pháp, tụng giới, sám hối vào các ngày 14 và 30 hàng tháng. Từ đó, các Phật tử ngày càng tinh tấn tu học trên con đường tìm cầu giác ngộ, giải thoát.

Nghi thức sái tịnh rót đồng đúc Đại hồng chung

Tuy nhiên, đến thời điểm này chùa vẫn chưa có Đại Hồng Chung, thể theo nguyện vọng của đông đảo Phật tử, nhân dân địa phương, thượng tọa Thích Tục Khang đã đứng lên kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân đóng góp tịnh tài, tịnh vật đúc đại hồng chung để mỗi buổi chiều, Phật tử tới chùa thỉnh chuông sẽ làm thức tỉnh tính Phật, từ bỏ tham, sân, si trong mỗi con người.

Đã từ lâu, hình ảnh ngôi chùa, âm thanh của tiếng chuông đã trở thành biểu tượng tâm linh của những người con Việt. Nét đẹp ấy khắc sâu trong tâm khảm của chúng ta, cho dù đi đâu, hay ở bất cứ phương trời nào, thì hình ảnh và âm ba ấy luôn nhắc nhở, thôi thúc chúng ta nhớ về nguồn cội của chính mình.

“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng,

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung,

Mái chùa che chở hồn dân tộc,

Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Không những thế, biểu tượng ấy còn là liều thuốc thần dược, xoa dịu và xoá tan bao nỗi khổ đau nhọc nhằn mà cuộc sống xô bồ, vội vã, ganh tỵ, bon chen của đời thường đầy cạm bẫy này đem lại. Khi hồi chuông gióng lên, chấn động sâu trong tâm thức của con người, bao trần cấu, não phiền đều rơi rụng, thức tỉnh lòng người trở về với thực tại, một thực tại mầu nhiệm và an nhiên của tâm hồn. Qua đó, chúng  ta thấy được rằng, tiếng chuông đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi người. Sự màu nhiệm của tiếng chuông mang lại không chỉ dành cho những người còn sống được trở về với bản tâm thanh tịnh, Phật tính vốn có của mình mà nó còn làm thức tỉnh những người đã khuất, khi tiếng chuông vang lên thì cảnh giới địa ngục cũng phải ngừng nghỉ để lắng nghe âm thanh huyền diệu, âm thanh của sự giải thoát đó. Chính vì vậy, việc đúc chuông là một việc làm vô lượng công đức, trời người đều tán than, ai nấy cũng đều hân hoan.

Hàng ngàn Phật tử về tham dự đại lễ

Trước khi kết thúc buổi lễ, Chư tôn đức Tăng Ni, các Phật tử và nhân dân địa phương đã làm lễ dâng hương, bạch Phật, lễ chú nguyện, sái tịnh và rót đồng đúc Đại Hồng Chung trong không khí hoan hỷ, trang nghiêm thành kính.

Được biết theo kế hoạch, đại lễ đúc Đại Hồng Chung tại chùa Hưng Long đã được tổ chức từ trung tuần tháng 3 năm Canh Tý, nhưng do dịch bệnh Covid-19 tại thời điểm đó đang diễn biến hết sức phức tạp, nên Ban tổ chức đã hoãn buổi lễ đến ngày hôm nay.

Xin chia sẻ hình ảnh ghi nhận:

Thành Trung

 

 

 

 

 

 

 

bài viết liên quan

BTS GHPGVN quận Dương Kinh trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng

26/07/2024
4 Views

Hòa chung không khí đau thương trước sự mất mát to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện công văn số 217/HĐTS-VP1 của HĐTS TƯ GHPGVN ban…

Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam viếng tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội và TP.HCM

25/07/2024
4 Views

 Chiều nay, 25-7, chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam viếng tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà…

Ban trị sự trang nghiêm tổ chức Lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

25/07/2024
46 Views

Đúng 7 giờ sáng nay, ngày 25/07/2024 (nhằm ngày 20/06 năm Giáp Thìn), thực hiện Thông bạch số 217/HĐTS-VP1 của Hội đồng trị sự TƯ GHPGVN ban hành ngày 23/7/2024,…