Tu Đúng
Đừng nghĩ ta già, ta chết, ta sẽ đi đầu thai. Nghĩ vậy là sai bét. Vì kiếp sau của bạn có thể là ngày mai, có thể chiều nay, có thể lát nữa. Cái suy nghĩ kiếp sau nghĩa là đằng sau cái chết, mà cái chết lại là đằng sau tuổi già là rất sai. Chắc gì mình đã chết khi mình già.
Tóm lại: Mình sống như thế nào thì có nghĩa là chúng ta kín đáo xây dựng cho mình 1 thế giới cho kiếp sau. Kiếp sau ấy không phải là đến khi chúng ta đã già, không cần phải trải qua một cơn bạo bệnh, không cần phải trải qua những năm tháng liệt giường, liệt chiếu. Kiếp sau có thể là ngay bây giờ.
Trong Kinh dạy chúng ta có 3 lý do để chúng ta liên tục sống chánh niệm:
Không biết chúng ta sẽ chết lúc nào
Không biết được cơ hội đắc đạo của chúng ta là khi nào
Khi mình thất niêm, khả năng tạo ác nghiệp của mình cực lớn
Tôi nhắc lại: Chúng ta luôn luôn tu hành bằng tâm rất là tiểu thừa, nghĩa là luôn tu với cái tâm mặc cảm: tôi là người vô duyên, thiếu phước, giờ tôi phải vun bồi phước báu để kiếp sau tôi đắc. Cái kiểu tu này rất là sai vì kiếp trước mình đã tu bao nhiêu mình không biết. Cho nên vun bồi ba la mật không bằng phát huy ba la mật.
Có 5 điều kiện để đắc đạo trong đời này:
- Có sức khỏe tốt
- Có nền tảng cơ bản kiến thức giáo lý
- Có thầy bạn tốt
- Có trú xứ thích hợp
- Hành thiền liên tục.
Năm cái này mình làm được cho thấy rằng ba la mật của mình cũng không đến nỗi xoàng. Trong Kinh Trường Bộ, đoạn cuối bài Kinh Tứ Niệm Xứ có đoạn “Này các tỳ kheo, một người tinh tấn tu tập Tứ niệm xứ này thì lâu nhất là bảy năm, nhanh nhất là bảy ngày sẽ chứng đắc được hai quả: Alahan và Anaham.”
Hồi đó nghe đoạn này tôi rất shock vì tôi nghĩ: “Ủa, sao đắc khó vậy mà Ngài nói chắc chắn vậy?” Nhưng đến khi già tôi mới hiểu: “Không dễ gặm đâu. Đó là một cách nói mẹo.”
Quý vị nghe kỹ điều này: Nếu tu đúng bốn niệm xứ này thì chậm lắm bảy năm cũng đắc. Cho đến khi già mình nghiệm ra: Ba la mật yếu làm sao mà có thể tu đúng trong bảy năm được? . Tu đúng là rất mệt vì chín mươi chín phần trăm người tu thiền Tứ niệm xứ đều có cái hiểu lầm vô cùng lớn này: Tất cả đều quán chiếu danh sắc từ vị trí TÔI. Tôi đang thở ra, tôi đang thở vào, Tôi đang có tâm thiện, Tôi đang có tâm bất thiện, lúc này chánh niệm của tôi tốt, v.v…
Cho nên có một câu chuyện là một anh say rượu cầm một cái búa rất to vào phòng đập nát tất cả mọi thứ nhưng có duy nhất một thứ anh ta không đập được chính là cái búa.
Mình tu thiền là mình đập tan hoang hết (sắc, tài, tiền, danh lợi …), mình thấy cái nào cũng vô thường chỉ có cái thằng đang tu này là thứ thiệt thôi! Tức là nó quán chiếu tam thiên, đại thiện, ba đời mười phương đều vô ngã, vô thường. Nó nói nghe đã lắm nhưng cuối cùng cái thằng này là thằng ngon lành nhất, cả cái thiền đường này không có ai tu tốt bằng thằng này đó. Chết ngay là ở chỗ này. Chín mươi chín phần trăm người ba la mật yếu không làm được chuyện đó, không làm được chuyên nhìn mình như nhìn người khác.
Có những chuyện mình làm không thấy kỳ mà nhìn người ta làm mình lại thấy kỳ. Ví dụ thấy người ta ăn uống nhồm nhàm thì không thấy đẹp nhưng chính mình đang ăn vậy thì lại không thấy.
Nên chín mươi chín phần trăm người tu Tuệ quán phải tập cho được cái này. Trong Kinh nói đối với Tứ Đế phải suy nghĩ và phải hiểu như sau:
“Chỉ có sự khổ chứ không ai chịu khổ;
Chỉ có nguyên nhân tạo ra khổ chứ không có ai tạo ra khổ;
Chỉ có sự thoát khổ chứ không có người thoát khổ;
Chỉ có con đường thoát khổ chứ không có kẻ hành trì con đường ấy.”
Cái này rất là sâu. Phải có một ngày bà con thấy rằng lại có tâm tham xuất hiện và rồi lại có nguyên nhân khổ. Thấy vậy là đủ rồi chứ đừng có tư tưởng “tôi” đang bị tham, “tôi” đang bị khổ. Cái đó rất là kẹt.
Trong Kinh ghi rất rõ: Khi một hành giả đang bị bệnh chỉ có hai cách quán chiếu như sau: “Tôi đang bị đau” hay là “Cơn đau đang có mặt.”
Cách thứ hai tốt hơn vì theo cách thứ hai thì cơn đau dừng lại ở cái đau, không có thêm nữa. Còn cách thứ nhất thì cơn đau bị nhân đôi. Đau rồi còn có TÔI đau nữa (Đau tâm lý và Đau sinh lý). Có học A Tỳ Đàm chúng ta sẽ thấm cái này dữ lắm.
Đêm qua tôi nhận được một cú phone từ Việt Nam, có một Sư cô mất do ung thư, người gọi điện là người em, cũng là một ni. Trước khi mất Sư cô có nói một câu dặn lại cho mấy chị em cùng là ni cô: “Không thể tu chơi chơi được. Phải tu rốt ráo nếu không lúc này chịu không nổi.”
Trích bài giảng “Vài nét tiêu biểu về chúng sanh và vũ trụ.”
Tác giả: Sư Giác Nguyên