Sự mầu nhiệm của tiếng chuông chùa
Bước vào những tuổi sáu mươi, sức khoẻ tôi có phần suy sụp, nằm đêm ít ngon giấc, có lẽ bởi suốt hơn nửa thế kỷ làm người, mải mưu toan cơm áo, loay hoay trong vòng danh lợi gươm đao.
Bỗng một sớm khuya, tôi thức dậy trong lơ mơ ngái ngủ…tiếng chuông chùa và lời cầu kinh của quý thầy chùa gần nhà tôi: Nguyện thỉnh chúng sanh siêu pháp giới; Thiết vi u ám tất giai văn…Tâm hồn xao động của tôi bỗng yên lắng.
Từ đấy, tôi có thói quen thức dậy lắng nghe tiếng chuông mõ và lời kinh ngân vang ấm áp trong đêm thanh. Và, thi thoảng, tôi sang chùa quanh quẩn dưới chân Bồ tát thầm cầu nguyện bằng an cho tâm hồn.
Có khi được đàm đạo với Thượng toạ trụ trì chùa về chuyện đạo chuyện đời, chuyện công phu kinh kệ. Thượng toạ sẵn lòng dạy bảo cho tôi điều áo nghĩa trong những tạng kinh uy lực vô biên của kinh Kim Cương, bao dung cứu khổ cứu nạn của kinh Pháp Hoa… mà những Phật tử gần đến tuổi bóng xế như tôi rất cần tu tập để vén dọn ngày về của mình bớt oan nghiệt, bởi những trái đắng trong nhiều đời trước vô tình hay cố ý gieo nhân quả!
Chùa toạ lạc ven đường làng đã hơn 100 năm. Ngài trụ trì đầu tiên là Hoà thượng Đại Dung đời thứ 37 dòng Lâm Tế thiền sư. Năm 1910, Hoà thượng Quảng Tế kế vị ngài sáng lập cho đến năm 1948 ngài mới viên tịch. Ngài Quảng Tế truyền lại cho Hoà thượng Hưng Thông.
Năm 1977, Hoà thượng Hưng Thông chuyển hoá cho Thượng toạ Thích Trí Minh. Thượng toạ trụ trì đến năm 1999 thì lâm bệnh trọng. Hệ phái dòng Lâm Tế cử Đại đức Thích Minh Đức thay thầy Trí Minh công phu kinh kệ, hoằng pháp tam bảo.
Thầy Minh Đức đến chùa khi ấy chùa gần như hoang phế, chỉ một Thượng toạ, một đại đức, không tăng chúng vãng lai tu tập! Tất cả việc đời việc đạo, thiết lập quan hệ với bà con Phật tử quanh chùa và cả việc chăm sóc cho thầy bị nằm liệt đều do thầy và mấy đệ tử của thầy quán xuyến.
Tôi là một Phật tử bình thường, một người may mắn sống gần chùa cũng cảm nhận được ít nhiều sự cứu độ lời kinh cùng tiếng chuông chùa hằng đêm mang lại…