Tìm lại dấu chân thiền sư
Trong dòng chảy lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam, Không Lộ Thiền sư là một trong tứ bất tử được nhân dân ta kính ngưỡng, thờ phụng.
Có thể nói, Thánh tổ Không Lộ là một vị tổ có công hạnh vô cùng to lớn. Ngài là một vị thiền sư nhập thế với sự nghiệp đã được sử sách và dân gian lưu danh muôn thuở. Trong một nhân duyên thật tình cờ từ ba năm về trước, chúng tôi đã phát nguyện sẽ tìm lại những dấu tích của Thánh năm xưa.
Kể từ thời vua Đinh – Lê – Lý cho tới nay đã hàng ngàn năm trôi qua. Dân tộc ta tôn xưng Thiền sư Không Lộ là: “Tổ Phật”, là “Tiên”, là “Thánh”, là “Thần Hoàng” của làng. Điều này đủ cho thấy những ảnh hưởng và công hạnh của Người. Ở một bình diện khác, chúng ta cũng thấy được phần nào hình ảnh của vị thiền sư với đời sống trong dân gian xưa.
Chúng ta thường nghe, thời vua Lý, vua Trần là hai thời kỳ huy hoàng trong lịch sử dân tộc. Đó là thời kỳ mà đạo Phật chính thức là Quốc Đạo. Khắp nơi nơi làng nào cũng có chùa. Cuộc sống thái bình no ấm, đất nước vua tôi thuần từ. Thầy chùa thuở ấy, vừa là thầy giáo dạy chữ cho trẻ em, vừa là người thầy về mặt tâm linh cho dân làng, lại vừa là thầy thuốc, hái thuốc chữa bệnh cho dân.
Có được một giai đoạn lịch sử đẹp như vậy, chính là nhờ những vị tiền nhân đã gây dựng nền móng vững chắc; những vị thiền sư đã được tôn xưng là Tiên, là Phật, là Thánh, là Thần như Thánh Không Lộ.
Mấy năm nay, tôi rong ruổi khắp các miền quê nơi bước chân Thánh đã đi qua để tìm lại những câu chuyện, những dấu tích về Người. Chúng tôi đã đi khảo cứu lại từng tên gọi của khu đất, đi tìm từng cái tên của Hương (làng) gắn với các ngôi chùa xưa, nay không còn nữa, nhưng còn bia đá ghi, kết hợp với các di tích khác, (đó là những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể). Những cuốn sách chữ Hán cổ, những cuốn thiền uyển ngữ lục và thánh tổ chân kinh,…
Sau mỗi buổi điền dã là những cuộc đàm đạo tra cứu lại, tập hợp lại các tài liệu còn lưu, tra cứu địa chí, bản đồ các tỉnh, hướng chảy và quy luật đổi dòng của các con sông, sự thay tên của các vị trí địa lý xưa và nay. Tổng hợp, so sánh, đổi chiếu và phân tích để có kết luận đầy đủ.
Chúng tôi không phải là nhà khoa học, cũng không có ý lạm bàn vào việc của những nhà khoa học hay lịch sử. Chúng tôi chỉ làm những điều trên vì tấm lòng tri ân kính ngưỡng đến Thánh tổ và bởi vì chúng tôi có niềm tin, những dấu chân của Ngài sẽ mở ra nhiều điểu sáng tỏ trong lịch sử Phật giáo và sự tiếp biến của đạo Phật ở Việt Nam.
Chúng tôi cũng có lòng tin, thế hệ con cháu chúng ta hôm nay thật cần những khoảng thời gian ngồi lại cùng nhau và nhìn lại lịch sử. Ông cha năm xưa đã nghĩ gì làm gì và mong mỏi điều gì để sống mà không thẹn với tiền nhân.
Thánh tổ Không Lộ vốn xuất thân từ nghề chài lưới theo nghiệp cha. Sau những năm tầm sư học đạo, Ngài trở thành vị thiền sư được nơi quê hương tôn xưng Thánh tổ, vua tôn xưng làm Quốc sư. Ngài được dân gian ca tụng khắp nơi nơi.
Từ những việc trồng vườn sinh dược làm thuốc, là tổ nghề đúc đồng, thiền sư còn có công khai khẩn ấp, dạy nghề, là Thành Hoàng làng; là 1 trong bốn vị thần trấn kinh đô Hoa Lư cho đến việc tạo ra Tứ Đại Khí (tức bốn bảo vật trấn quốc); trở thành quốc sư,… Đó chính là biểu hiện khởi nguồn đặt nền móng vững chắc cho một đạo Phật vừa giúp trị quốc, an dân đồng thời mang đậm tư tưởng nhập thế được phát triển mạnh mẽ sau này.
Thời Lê là một triều đại Phật giáo. Nhưng là một nền Phật giáo mang một màu sắc nhập thế kết hợp nhuẫn nhuyễn hơn giữa Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo.
Đó là qua thời Lý với sự nổi bật của con đường tu hành dòng Trúc Lâm Đại Pháp ảnh hưởng bởi Không Lộ, Giác Hải, Đạo Hạnh trong nhân gian, để đến nhà Trần với phát biểu Cư Trần Lạc Đạo đã làm nền móng cho một nền Phật giáo thời Lê đặc sắc riêng.
Không chỉ tham thiền đạt đạo với những công án để tu chứng trong thiền viện tách biệt cuộc sống thực của dân và nước. Phật giáo thời Lê đã, có thể nói, nhập thế thành công mang một bản sắc Việt hoàn toàn. Người tu Phật giai đoạn này, không ở đó lo hoàn thiện bản thân và vinh danh trau dồi cảnh Phật tự riêng mình, họ dấn thân vào đời trọn vẹn.
Đất Vua Chùa Làng, rất rõ ràng.
Chùa là của một cộng đồng làng xã Việt, vinh danh tổ tiên Việt. Phật Việt ra đời là như vậy. Thần Hoàng làng là thiền sư. Thiền sư là Thần Thành Hoàng làng.
Không tự nhiên mà Trần Nhân Tông được tôn xưng là Phật Hoàng. Hoàng, bởi ông là Vua, Vua Phật. Như Không Lộ, ông là Tổ, Tổ Phật.
Cư Trần Lạc Đạo thời Trần, theo khảo cứu của chúng tôi, có nền móng khởi nguồn từ thiền sư Không Lộ.
Từ vùng đất Nam Định nhà Trần phát sinh. Cũng từ vùng đất này Không Lộ là người khai sinh mấy trăm năm trước, cả từ việc mở hoang lập ấp đến việc phát triển đạo Phật vùng Sơn Nam.
Khảo cứu ngôi chùa thờ mẹ Không Lộ ở hành Thiện, chúng tôi phát hiện các thế hệ sư tăng ở đây được gọi là “Thuyền tăng” (thiền tăng – vị sư thầy tu thiền) nhưng có “thê” (có vợ) và được ghi rõ ràng trong gia phả tộc Vũ chùa Đĩnh Lan. Đặc biệt, các thế hệ này về sau nối tiếp Không Lộ tu theo Huyền Pháp (Đại Pháp) nhưng là phái Trúc Lâm. Khoa cúng tổ và lễ sám riêng của chùa Đĩnh Lan tự xưng mình thuộc dòng Trúc Lâm.
Ban đầu chúng tôi ngạc nhiên khi thấy Huyền Quang được thờ nơi hậu tổ chùa Đĩnh Lan. Về sau qua quá trình khảo cứu nhiều nơi liên quan đến Huyền Quang mới hiểu được vị Huyền Quang được thờ nơi các chùa vùng Sơn Nam. Trong một bản gia phả của tộc Vũ vùng này, chúng tôi thấy, sau khi ghi “thuyền tăng…” có tên hiệu bắt đầu bằng chữ “Huyền”, người chua thêm: “Tu theo đạo Huyền Quang”.
Vậy rõ ràng, Huyền Quang của vùng Trấn sơn Nam, có khởi nguồn từ dòng Đại Pháp của Không Lộ, để con cháu về sau của các ngôi chùa này thờ Huyền Quang như vị Tổ của họ. Tác phẩm, “Hành Trì Bí Điển” được cho là của Huyền Quang.